Vấn đề bản quyền phim Trạng Tí?

Vấn đề bản quyền phim Trạng Tí?

1173

Tôi vẫn đi xem “Trạng Tí”

“Trạng Tí” có gì đặc biệt?

  • Một bộ phim của nhà sản xuất kiêm diễn viên Ngô Thanh Vân, có kinh nghiệm tham gia các bộ phim của Hollywood, kết hợp với đạo diễn có tiếng Phan Gia Nhật Linh; khoản đầu tư hơn 40 tỷ đồng; đạo diễn có tham vọng tạo ra tác phẩm phim phiêu lưu giả tưởng dành cho thiếu nhi có thể đưa ra thị trường nước ngoài
  • Phim chuyển thể từ bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” của họa sĩ Lê Linh. Bộ truyện từng là chủ đề nóng liên quan đến việc vi phạm quyền tác giả (tác quyền) từ tập 79 sau khi họa sĩ không còn hợp tác với Công ty Phan Thị; họa sĩ đã mất hàng chục năm theo đuổi vụ kiện với kết quả thành công ghi nhận họa sĩ là tác giả duy nhất của bộ truyện
  • Bộ phim vướng lùm xùm vi phạm tác quyền trước khi công chiếu

+ Theo tác giả Lê Linh, đoàn làm phim không trao đổi xin ý kiến của ông trước khi làm phim, phim có nhiều thay đổi so với nguyên tác mà không được ông cho phép

+ Nhà sản xuất cho rằng họ tôn trọng bản quyền đối với tác phẩm vì đã ký hợp đồng với chủ sở hữu tác phẩm hợp pháp là công ty Phan Thị

  • Bộ phim có nguy cơ bị tẩy chay do lùm xùm về vi phạm tác quyền, phản ứng của đạo diễn không làm đẹp lòng công chúng
  • Phim gặp nhiều khó khăn khi liên tục phải hoãn công chiếu do dịch Covid.

Có nên tẩy chay “Trạng Tí”? Bản thân tôi vẫn quyết định đi xem bộ phim. Và đây là cảm nhận tổng quan của tôi về bộ phim:

Điểm cộng:

  • Các nhân vật chính là các diễn viên nhí diễn xuất khá mượt và rất dễ thương (các bạn nhỏ trong rạp cười thích thú và bình luận về các diễn viên khi xem)
  • Phim ấn tượng với hình ảnh đẹp: các thước phim quay về phong cảnh làng quê và vùng núi Việt Nam hùng vĩ, chân thực;

Nhiều cảnh siêu đẹp mãn nhãn hiếm thấy ở phim Việt như cảnh mẹ Tí đi thuyền trên hồ sen và xung quanh là hàng ngàn đom đóm bay, các cảnh kỹ xảo có chất lượng (cảnh đàn hổ vây quanh các nhân vật, thần hổ và các vị thần xuất hiện).

 

  • Phim có cốt truyện là chuyến phiêu lưu đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của nhân vật chính “Tí”; chuyển tải được nhiều thông điệp ý nghĩa; giáo dục con người về tình yêu thương, tình bạn, lòng quyết tâm, rèn luyện bản lĩnh và trí tuệ qua các sự việc đời thường.

Điểm trừ: Phim vẫn còn nhiều “hạt sạn” do cường điệu quá mức và nhiều chi tiết chưa logic và không rõ ý đồ của đạo diễn khi đưa vào tác phẩm; giọng lồng tiếng cho các nhân vật thần tiên chưa rõ khiến người xem, đặc biệt trẻ nhỏ sẽ khó nghe và không hiểu rõ nội dung; các tình huống giải đố của Tí được giải quyết khá nhanh không đủ thời gian cho khán giả nhí suy nghĩ và chưa tạo được kịch tính do được xử lý tương đối dễ dàng, không làm toát lên được sự mưu trí quyết đoán của một trạng nguyên nhỏ tuổi như Tí.

Vấn đề bản quyền liên quan đến phim “Trạng Tí”?

(Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009 và 2019)

- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả: bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Họa sĩ Lê Linh là tác giả viết bộ truyện “Thần đồng Đất Việt” theo hợp đồng với công ty Phan Thị (nắm giữ quyền nhân thân trừ quyền công bố tác phẩm). Phan Thị là đơn vị sở hữu quyền tài sản của bộ truyện, và được phép làm tác phẩm phái sinh dựa trên bộ truyện này.

- Tác phẩm phái sinh: là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Phim “Trạng Tí” là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ bộ truyện “Thần đồng Đất Việt”.

Quyền nhân thân bao gồm quyền sau đây (khoản 4 Điều 19)

“Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. »

Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây (khoản 1 Điều 20)

Làm tác phẩm phái sinh;

Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

Hành vi xâm phạm quyền tác giả (khoản 5 và 7 Điều 28)

Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Nhà làm phim đã ký hợp đồng với Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả được phép làm tác phẩm phái sinh, do vậy không xâm phạm quyền tài sản đối với tác phẩm “Thần đồng Đất Việt”.

Vấn đề đặt ra là việc phim “Trạng Tí” có những điều chỉnh so với nguyên tác gốc có được coi là gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả - xâm phạm quyền nhân thân của tác giả hay không? Vấn đề chưa xin phép tác giả đã được đưa ra nhưng cho đến nay không có bất kỳ yêu cầu và nhận định về hành vi xâm phạm quyền tác giả của phim “Trạng Tí” từ phía tác giả và các cơ quan chức năng.

Nhìn tổng quan, phải nhìn nhận bộ phim có sự đầu tư lớn về diễn viên, kỹ xảo và đã truyền tải thông điệp rất ý nghĩa cho khán giả nhí. Những điều này đã vươt hơn kỳ vọng của tôi cho một bộ phim thiếu nhi Việt Nam. Tôi không đồng ý với việc tẩy chay phim vì  Việt Nam rất cần những bộ phim được đầu tư như vậy, nhất là phim thiếu nhi. Nỗ lực của đoàn làm phim cần được ghi nhận. Chỉ tiếc rằng phía nhà sản xuất, chủ sở hữu và tác giả đã không có được tiếng nói chung trước khi phim công chiếu, tạo ra hiệu ứng tẩy chay. Đây cũng là bài học cho các nhà làm phim - sự tôn trọng quyền nhân thân của tác giả (Lê Linh) cũng quan trọng không kém quyền tài sản thuộc về đơn vị sở hữu và có quyền khai thác tác phẩm (công ty Phan Thị). 

Bài viết nhận định của chuyên gia IPAC - ngày 05/05/2021

Nguồn ảnh của bài viết: sưu tầm từ internet 

Bình luận: