Khái quát về nhãn hiệu phi truyền thống
Theo cách hiểu truyền thống, nhãn hiệu được cấu thành từ chữ cái, chữ số, từ, hình ảnh, biểu tượng hoặc sự kết hợp của một hoặc nhiều yếu tố này. Những dấu hiệu này thường được các chủ thể sử dụng làm nhãn hiệu cho sản phẩm và dịch vụ của mình, do vậy chúng quen thuộc với người tiêu dùng, là các dấu hiệu được chấp nhận bảo hộ theo luật và quy định của các quốc gia nên được hiểu là nhãn hiệu truyền thống. Những loại dấu hiệu không hay được dùng làm nhãn hiệu, người tiêu dùng còn xa lạ với các dấu hiệu đó, và các quy định bảo hộ đối với loại dấu hiệu đó còn hạn chế hoặc không tồn tại trong quy định của nhiều quốc gia thì được gọi là nhãn hiệu phi truyền thống.
Nhãn hiệu truyền thống thường được thể hiện trên mặt phẳng hai chiều bao gồm chữ cái, hình ảnh, biểu tượng và tổ hợp màu sắc, trong khi nhãn hiệu phi truyền thống có nhiều dạng hình thái khác nhau. Các yếu tố cấu thành nhãn hiệu không còn chỉ hạn chế ở chữ số, chữ cái, hay hình ảnh. Một số dấu hiệu có thể không nhận biết được bằng thị giác nhưng vẫn có khả năng phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của các chủ thể khác nhau nên có thể đóng vai trò chức năng của một nhãn hiệu.
Như vậy, nhãn hiệu phi truyền thống là những nhãn hiệu:
- mang đầy đủ tính chất và chức năng của một nhãn hiệu: có khả năng phân biệt tự thân và khả năng phân biệt sản phẩm và dịch vụ của các chủ thể với nhau,
- nhưng có thành phần cấu thành không giống như nhãn hiệu truyền thống.
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã chia nhãn hiệu phi truyền thống thành 2 dạng:
(1) nhãn hiệu nhìn thấy được, và
(2) nhãn hiệu không nhìn thấy được.
Ví dụ về nhãn hiệu nhìn thấy được là nhãn hiệu màu sắc, hình lập thể, khẩu hiệu (slogan) hay tiêu đề của một bộ phim hay cuốn sách, dấu hiệu chuyển động hay dấu hiệu đa phương tiện, nhãn hiệu vị trí, nhãn hiệu cử chỉ... Nhãn hiệu không nhìn thấy được gồm các trường hợp như nhãn hiệu dưới dạng âm thanh, mùi hương, vị hoặc nhãn hiệu cảm giác.
Cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam
* Hiệp định thương mại về Quyền Sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs).
Điều 15 của Hiệp định TRIPs đã đưa ra những đặc điểm của nhãn hiệu.
Thứ nhất, nhãn hiệu chứa bất kì một dấu hiệu hoặc sự kết hợp của các dấu hiệu. Theo đó, phạm vi của các dấu hiệu được đăng kí bảo hộ là nhãn hiệu rất rộng, có thể là dấu hiệu truyền thống như từ ngữ, tên riêng, chữ cái, chữ số, màu sắc… hay các dấu hiệu khác mà “có khả năng được đăng kí”. Các dấu hiệu khác ở đây không có giới hạn nên có thể được hiểu rộng bao hàm cả các dấu hiệu phi truyền thống. Đó là các dấu hiệu mới, không chỉ được nhận thức thông qua thị giác như dấu hiệu truyền thống mà còn được nhận thức thông qua các giác quan khác như thính giác, khứu giác, xúc giác.
Thứ hai, các dấu hiệu đó phải đáp ứng được chức năng của một nhãn hiệu, là có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác.
Hiệp định TRIPs được xem là điều ước quốc tế đầu tiên đưa ra khái niệm về nhãn hiệu, một khái niệm mở, trong đó có bao gồm dấu hiệu phi truyền thống. Hiệp định này khuyến khích 164 nước thành viên bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại các quốc gia của mình.
* Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA)
Theo Khoản 1 Điều 6 Hiệp định BTA, điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu phải được tạo nên bởi một hoặc nhiều dấu hiệu mà có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Hiệp định BTA chỉ ra thêm một số dấu hiệu khác so với Hiệp định TRIPs là “các yếu tố hình hoặc hình dạng của hàng hóa hoặc hình dạng của bao bì hàng hóa”. Có thể thấy rằng hiệp định BTA đã gợi mở thêm về cơ chế bảo hộ nhãn hiệu ba chiều (nhãn hiệu với hình dạng được thể hiện trong không gian ba chiều). Tuy nhiên, về cơ bản cả hai hiệp định có phạm vi bảo hộ tương tự nhau, đều rất mở, quy định điều kiện bảo hộ là bất cứ dấu hiệu nào có khả năng phân biệt, đồng nghĩa với việc dấu hiệu nhìn thấy được và dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh, mùi hương, màu sắc, đều có thể được bảo hộ.
* Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Hiệp định CPTPP yêu cầu các quốc gia tham gia không chỉ giới hạn phạm vi bảo hộ đối với các dấu hiệu có thể nhìn thấy mà đòi hỏi tối thiểu là phải bảo hộ đối với nhãn hiệu âm thanh. Còn nhãn hiệu mùi hương được xem như đối tượng nên khuyến khích bảo hộ và không bắt buộc đối với các quốc gia thành viên do những đòi hỏi cao hơn, khó khăn hơn so với việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, điển hình là cơ chế thẩm định.
Đến thời điểm hiện tại, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam mới chỉ đề cập đến các dấu hiệu phi truyền thống như dấu hiệu hình ba chiều và dấu hiệu màu (nhãn màu sắc) trong điều kiện đối với nhãn hiệu được bảo hộ.
Việt Nam chính thức là thành viên của CPTPP ngày 12/11/2018. CPTPP yêu cầu Việt Nam mở rộng bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và khuyến khích bảo hộ nhãn hiệu mùi là hai dạng nhãn hiệu phi truyền thống (theo Điều 18.18). Theo cam kết, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh các quy định để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong thời hạn 3 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực (CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019). Do đó, các phương án thi hành một cách có hiệu quả nhất, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đối với đối tượng mới là nhãn hiệu âm thanh đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo lộ trình để có hiệu lực vào năm 2022.
Yêu cầu của việc bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam
Với xu thế toàn cầu hóa cùng sự giao lưu hàng hóa gần như không giới hạn giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ thì vấn đề về Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nội dung liên quan đến nhãn hiệu phải có những sự điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của thế giới.
Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu tương thích giữa luật pháp của quốc gia và các điều ước quốc tế. Việt Nam cần đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế đã kí kết và tạo nền tảng cho việc tham gia vào các điều ước quốc tế khác trong tương lai. Ở Việt Nam, các đối tượng bảo hộ vẫn còn rất hạn chế.
Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia khác.Trong khi rất nhiều quốc gia đã thiết lập những quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm mang nhãn hiệu phi truyền thống sẽ được giao thương và nhập khẩu vào Việt Nam và ngược lại thì Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế và cần có sự chuẩn bị cho việc hội nhập. Nếu Việt Nam không sớm thiết lập những quy định về bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống, điều này sẽ không những gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài mà còn là rào cản lớn cho việc đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ ba, xuất phát từ nhu cầu của chủ thể kinh doanh. Để duy trì được vị thế trên thị trường, sánh vai với và có thể vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự sáng tạo, không ngừng đổi mới không chỉ trong chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể sử dụng các nhãn hiệu phi truyền thống ở trong và ngoài nước. Do đó, việc quy định bảo hộ đối với nhãn hiệu phi truyền thống tại Việt Nam như âm thanh, màu sắc là một yêu cầu thiết yếu nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước những hành vi xâm phạm, thúc đẩy phát triển hàng hóa, cung ứng dịch vụ cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh với các chủ thể trong và ngoài nước.
Thứ tư, xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Các lựa chọn về nhãn hiệu đọc được, nhìn thấy được ngày càng hạn chế khi số lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ tiêu dùng ngày càng tăng nhanh như hiện nay. Sự tương đồng trong hình ảnh, từ ngữ của các nhãn hiệu của sản phẩm trong “kho nhãn hiệu” hạn chế sẽ đem đến không ít sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Việc chỉ dừng lại bảo hộ đối với các dấu hiệu “nhìn thấy được” có thể gây khó khăn cho những người tiêu dùng hạn chế về thị giác. Hơn nữa không chỉ thị giác mà các giác quan khác đều có khả năng tác động mạnh mẽ đến tâm lí và nhận thức của người tiêu dùng. Mở rộng quy định về dấu hiệu phi truyền thống sẽ khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng và giúp cho người tiêu dùng có nhiều hơn cơ hội nhận biết rõ sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Cuối cùng, xuất phát từ yêu cầu của quá trình phát triển khoa học công nghệ, và kĩ thuật. Các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Thông tư hướng dẫn và quy chế thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy sự đánh giá về các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu cũng như công tác giám định xác minh vi phạm chưa được áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật mà chủ yếu dựa trên sự xem xét chủ quan của cơ quan chức năng. Với sự phát triển và hỗ trợ của khoa học, công nghệ kĩ thuật ngày nay, pháp luật Sở hữu trí tuệ hoàn toàn có thể mở rộng phạm vi bảo hộ đối với cả nhãn hiệu phi truyền thống nếu quy trình thẩm định được đầu tư, trang bị các thiết bị và công nghệ hiện đại. Việc sử dụng các loại dấu hiệu mới làm nhãn hiệu cũng giúp đáp ứng một phần nhu cầu tích hợp và tận dụng các chức năng mới của sản phẩm công nghệ hiện đại, thông minh.
Lưu ý đối với Doanh nghiệp Việt Nam
1. Cập nhật và nâng cao nhận thức về các dạng nhãn hiệu trong nội bộ doanh nghiệp
2. Rà soát và sắp xếp hệ thống nhãn hiệu của doanh nghiệp
3. Nhận diện tài sản là các nhãn hiệu phi truyền thống hiện có hoặc chuẩn bị lộ trình xây dựng các nhãn hiệu phi truyền thống phù hợp với sản phẩm và dịch vụ, thị hiếu của người tiêu dùng liên quan, năng lực và định hướng doanh nghiệp.
4. Cân nhắc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phi truyền thống (nếu có) tại thị trường nước ngoài, tra cứu các nhãn hiệu phi truyền thống có thể được doanh nghiệp sử dụng trước khi tiếp cận thị trường để đảm bảo không xâm phạm quyền nhãn hiệu của các chủ thể khác tại nước sở tại.
IPAC IP.,JSC
Nguồn:
Nguồn:
https://b.vjst.vn/index.php/ban_b/article/view/832
https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17369/nghien-cuu-ve-nhan-hieu-phi-truyen-thong.aspx
Bình luận: