Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường Internet

Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường Internet

1836

Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường Internet

Khái quát về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc

* Tác phẩm âm nhạc

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi 2009, tác phẩm âm nhạc được hiểu là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt nhạc trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có lời hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

Như vậy, tác phẩm âm nhạc được bảo hộ quyền tác giả dưới hai hình thức:

  • Được thể hiện dưới dạng các nốt nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác.
  • Được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có lời hoặc không có lời.

Từ thời điểm định hình, tác phẩm âm nhạc đã được bảo hộ mà không cần phải thông qua việc trình diễn.

* Bảo hộ tác phẩm âm nhạc

Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường Internet dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật nhằm xác lập và điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ của tác giả, chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc; quản lý, sử dụng, khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc; thực thi và bảo đảm thực thi các quy định đó trên môi trường Internet.

Sự cần thiết của việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường Internet

  • Tác phẩm âm nhạc là tài sản có giá trị - Tác phẩm âm nhạc là một trong những món ăn tinh thần cần thiết cho cuộc sống. Một tác phẩm âm nhạc nghiêm túc là kết tinh của sự sáng tạo, tài năng của tác giả và công sức xây dựng và đầu tư của nhà đầu tư. Tác phẩm âm nhạc được công chúng đón nhận sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà khai thác/chủ sở hữu tác phẩm. Do vậy, tác phẩm âm nhạc có chất lượng luôn có giá trị cao và là tài sản cần được bảo vệ.
  • Tác phẩm âm nhạc cần được bảo vệ hợp pháp - Cần thiết phải thiết lập hành lang pháp lý ghi nhận quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền đối với tác phẩm âm nhạc và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, bao gồm quyền công bố tác phẩm âm nhạc, quyền truyền đạt tác phẩm âm nhạc đến công chúng, quyền sao chép, quyền khai thác các tác phẩm âm nhạc. Thông qua các cơ chế bảo hộ, tác giả/chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc có thể tiến hành tiến hành các biện pháp pháp lý để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, bao gồm khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do các hành vi xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại cho tác giả/chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc.
  • Thúc đẩy hoạt động sáng tạo và phát triển - Cơ chế bảo hộ tác phẩm âm nhạc rõ ràng có tác dụng khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư cho sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; từ đó, công chúng được hưởng thụ các tác phẩm âm nhạc chất lượng.
  • Nâng cao ý thức tuân thủ - Hoạt động thực thi quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc sẽ giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả, tôn trọng quyền tác giả và có tính răn đe, phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền trong tương lai. Khi một hành vi xâm phạm bị phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, tổ chức và cá nhân khác trong xã hội sẽ dè dặt hơn khi có ý định thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Khi ý thức tôn trọng quyền tác giả được nâng cao, chủ thể sử dụng tác phẩm sẽ có ý thức xin phép tác giả trước khi sử dụng tác phẩm sao cho phù hợp nhất, để tránh bị coi là xâm phạm quyền tác giả dẫn tới các trách nhiệm pháp lý. Quyền lợi của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm do đó sẽ được bảo đảm.
  • Môi trường Internet và công nghệ thay đổi không ngừng – Ngày nay thế giới không còn phẳng. Sự kết nối chia sẻ nội dung được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng nhờ mạng Internet và các công nghệ ngày càng hiện đại, thay đổi không ngừng để đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu của người sử dụng. Người dùng có thể dễ dàng số hóa các nội dung và thông tin để chia sẻ, chuyển cho đối tác, bạn bè và người thân; và việc kiểm soát các thông tin và nội dung số hóa được chia sẻ, truyền qua mạng Internet hiện nay càng gặp nhiều khó khăn nếu không có các công cụ, công nghệ thích ứng. Theo đó, việc chứng minh quyền tác giả và hoạt động thực thi quyền sẽ gặp nhiều khó khăn khi luật pháp chưa dự liệu hết các trường hợp và chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ và môi trường Internet.

Các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên Internet thường gặp ở Việt Nam

* Xâm phạm về quyền nhân thân của tác giả.

Thứ nhất, không đề tên hoặc mạo danh tác giả. Nhiều bản ghi hay viđêô âm nhạc trên nền tảng Internet đều không đề tên tác giả hoặc đề nhầm tên tác giả (do vô tình hay hữu ý). Chính việc số hóa tác phẩm âm nhạc trên Internet đã dẫn đến việc tác phẩm được in sao, lưu trữ mà không kèm theo tên của tác giả hoặc mạo danh tác giả (dùng tên người khác để đứng tên trên tác phẩm của tác giả) trở nên dễ dàng.

Thứ hai, công bố tác phẩm âm nhạc khi chưa được sự cho phép của tác giả. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, phần đoạn không đầy đủ của tác phẩm/ một số bài hát trong album của tác giả tác phẩm âm nhạc bị rò rỉ trên mạng Internet.

Thứ ba, sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm âm nhạc dưới bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Nhiều phần mềm chỉnh sửa và cắt ghép viđêô phổ biến trên Internet dẫn đến tình trạng xâm phạm đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn cho tác phẩm ngày càng gia tăng. Nhiều nhạc sĩ có tác phẩm âm nhạc bị cải biên, phóng tác, xuyên tạc và lan truyền nhanh trên các trang web mà không được biết trước, gây ảnh hưởng tới uy tín, vi phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của họ.

* Xâm phạm quyền tài sản của tác giả

Thứ nhất, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh, gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Khi một người tạo ra tác phẩm phái sinh cho tác phẩm âm nhạc mà chưa được sự cho phép của chủ thể quyền tác phẩm âm nhạc gốc, gây phương hại đến quyền tác giả đều bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Với các biện pháp kỹ thuật, phương tiện điện tử hiện đại ngày nay, người dùng Internet có thể dễ dàng tạo ra một một tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc, điển hình như việc “cover” lại một bài nhạc để đăng tải lên nền tảng các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, môi trường Internet là một môi trường rộng lớn, chủ sở hữu quyền tác giả không thể kiểm soát hết được những hành vi đó liệu có gây phương hại hay không. Điều này dẫn đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm âm nhạc dễ dàng bị xâm phạm.

Thứ hai, sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả. Hiện nay đang có rất nhiều trang web, blog cá nhân thực hiện việc sử dụng, sao chép các tác phẩm âm nhạc trên mạng Internet mà không thực hiện việc trả phí. Nếu một tổ chức, cá nhân lấy một tác phẩm âm nhạc đã được công bố hợp pháp trên Internet đưa lên một trang web khác hoặc chỉ ra đường dẫn để cho người khác truy cập vì mục đích thương mại mà không được phép, không trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả thì hành vi này được xem là xâm phạm quyền sao chép tác phẩm. Hoặc cũng có thể có hành vi tương tự như sao chép tác phẩm âm nhạc đó từ Internet, sau đó truyền cho người khác thông qua các công cụ như thẻ nhớ, đĩa ghi, qua điện thoại di động,… mà không thực hiện trả phí cũng là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Thứ ba, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó. Về nguyên tắc, bất kì một cá nhân, tổ chức nào muốn thực hiện một trong các hành vi phân phối tác phẩm đến công chúng đều phải được sự cho phép của chủ thể quyền. Việc tự ý thực hiện các hành vi trên trong môi trường Internet mà chưa được sự cho phép của chủ thể quyền được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Ngày nay, việc phân phối tác phẩm trên mạng Internet được tiến hành một cách nhanh chóng và dễ dàng trên phạm vi rộng hơn rất nhiều so với các phương thức truyền thống. Mạng Internet cho phép từ một máy chủ có thể truyền tải tới số lượng người không giới hạn và cho phép người sử dụng tiếp cận nguồn thông tin vào bất cứ thời gian, địa điểm nào mà họ mong muốn. Đặc biệt, mỗi người sử dụng Internet đều có thể thực hiện hành vi phân phối tác phẩm tới những người khác, không giới hạn ở bất cứ yếu tố nào. Do đó nếu một tác phẩm được phân phối thông qua Internet mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả thì thiệt hại sẽ là rất lớn.

* Các hành vi khác

Trong môi trường Internet, các chủ thể sử dụng công nghệ và nội dung số hóa; do đó, các hành vi xâm phạm không chỉ giới hạn ở việc xâm phạm trực tiếp các quyền thuộc quyền tác giả mà còn mở rộng ra những hành vi xâm phạm một cách gián tiếp, hậu thuẫn cho các xâm phạm quyền tác giả như cố ý xóa bỏ hiệu lực của các biện pháp kĩ thuật công nghệ được chủ thể quyền áp dụng để bảo về quyền. Pháp luật Việt Nam đã bổ sung các nhóm hành vi xâm phạm đặc thù trong môi trường Internet (khoản 12, 13 và 14 Văn bản hợp nhất Luật SHTT), bao gồm:

  • Cố ý hủy bỏ hoặc vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình;
  • Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm;
  • Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

Thực tiễn của việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường internet tại Việt Nam

Trong bối cảnh thời đại công nghệ phát triển, số lượng người sử dụng các phương tiện điện tử và tham gia các mạng xã hội ngày một đông đảo, các nền tảng đa phương tiện như Facebook, YouTube hay các kênh phát nhạc trực tuyến đang bùng nổ, trở thành các kênh giúp các chủ thể tạo dấu ấn các nhân hay lập kênh bán hàng tạo nguồn thu. Những người đăng tải các viđêô âm nhạc có thể có được một nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí, hiệu quả của sản phẩm còn được đánh giá một cách dễ dàng và nhanh chóng qua số lượng lượt xem (view), thích (like) và chia sẻ (share)... Tận dụng môi trường có sức hút người xem này, các đối tượng thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc để trục lợi. Trên thực tế, tình trạng này xuất hiện qua nhiều phương thức khác nhau.

Bản thân các nghệ sĩ Việt đã vướng không ít lùm xùm khi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường mạng, đơn cử như:                    

  • Năm 2017, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh từng bị gỡ khỏi YouTube và được thay bằng một bản mới vì sử dụng trái phép một đoạn nhạc trong tác phẩm “The way” của nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey. Ngoài ra, phía Noo Phước Thịnh còn phải công khai xin lỗi và bồi thường 850 triệu đồng. Cũng trong năm đó, ca sĩ Bảo Anh gặp phải rắc rối tương tự khi số hóa đoạn nhạc nền trong MV “Sống xa anh chẳng dễ dàng” sử dụng hai bản hoà âm “Icarus” và “Glimmer of hope” của Ivan Torrent mà chưa mua bản quyền.
  • Nhiều kênh cover nhạc Việt trên YouTube bị đánh “sập” là dấu hiệu cảnh báo của YouTube đối với các viđêô vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc. Những người chơi piano, violon chuyên cover các ca khúc Việt "hot" như Nguyễn Thế Vinh, An Coong, Khánh Linh... đều bị Hồng Ân Entertainment dùng "gậy bản quyền" để yêu cầu gỡ video đã vi phạm bản quyền. Một trong những khó khăn khi thực thi quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trên Internet là khi các cá nhân, tổ chức được cảnh báo về việc vi phạm thì ngay lập tức những đối tượng vi phạm xóa kênh và nội dung đăng tải để khỏi trả tiền bản quyền.
  • Gần đây cộng đồng người hâm mộ của Lady Gaga có khiếu nại về nữ ca sĩ Văn Mai Hương vì đã sử dụng các bài hát trong phim “A Star Is Born” để phát hành bản cover Tiếng Việt, đi biểu diễn và thu âm, phát hành lại trên các nền tảng Youtube/ Facebook/ TikTok.

Cộng đồng người hâm mộ Lady Gaga tại Việt Nam mở chiến dịch gửi kiến nghị lên

Universal Music Group về vấn đề Văn Mai Hương sử dụng ca khúc

Always Remember Us This Way”. (Nguồn ảnh: Kênh14)

Dựa trên cơ sở quyền tác giả, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghệ cũng đã thành công trong việc đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường mạng. Cụ thể trong năm 2020, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam VNG Corporation đã khởi kiện TikTok - nền tảng trung gian cho phép người dùng chia sẻ video ngắn. VNG cáo buộc TikTok đã để người dùng đăng tải trái phép nhiều bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing Mp3 - trang web nghe nhạc trực tuyến thuộc VNG. Theo đơn khởi kiện, VNG yêu cầu TikTok xóa tất cả các phân đoạn nhạc lấy từ bản ghi của Zing khỏi cả ứng dụng và trang web TikTok, đồng thời bồi thường thiệt hại hơn 221 tỉ đồng (9,5 triệu USD).

Một số lưu ý đối với tác giả/chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc trong việc bảo vệ quyền tác giả ở môi trường internet

  • Bảo mật thông tin/dữ liệu về tác phẩm trước khi công bố

Tác giả/chủ sở hữu cần biết cách tự bảo quản tác phẩm âm nhạc của mình trước khi chính thức công bố, tránh để lộ hay rò rỉ nội dung tác phẩm. Công tác bảo mật thông tin đặc biệt quan trọng khi việc hoàn thành tác phẩm có sự tham gia của nhiều cộng sự.

  • Lưu giữ chứng cứ về quyền tác giả ngay khi tác phẩm hình thành/chứng cứ về quyền sở hữu

Cần lưu trữ các tài liệu, chứng cứ chứng minh mình là tác giả/chủ sở hữu tác phẩm như bản thảo, hợp đồng, hóa đơn, giấy ký nhận tiền…

Khi công bố tác phẩm, việc lựa chọn hình thức công bố phù hợp là rất quan trọng.

  • Giảm thiểu nguy cơ nội dung được sao chép và chia sẻ mà không được phép bằng biện pháp kỹ thuật

Nếu chọn hình thức công bố trên Internet thì phải có cách hạn chế sự lan truyền không được phép như giảm bớt dung lượng file, chỉ đưa file bản xem thử, có hệ thống mã khóa bảo vệ…

Tác giả/chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc cũng nên thường xuyên theo dõi, kiểm soát tình hình sử dụng, truy cập các tác phẩm của mình trên Iinternet để có biện pháp kịp thời.

  • Áp dụng các biện pháp pháp lý để ghi nhận/xử lý hành vi xâm phạm

Khi phát hiện có hành vi xâm phạm, cần có văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm ngay. Đây sẽ là chứng cứ pháp lý quan trọng xác định hành vi vi phạm và sẽ được sử dụng sau này khi có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý chủ thể xâm phạm.

Như vậy, tác giả/chủ sở hữu có quyền áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa/bảo vệ/trừng phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình:

  • Tuyên bố quyền tác giả/quyền sở hữu tác phẩm khi công bố và cung cấp thông tin về tác phẩm (đồng thời lưu trữ các bằng chứng về quyền hợp pháp);
  • Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền của mình;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền của mình phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền của mình;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
  • Tác giả/chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc cũng nên tham gia vào các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để có cơ chế, tiếng nói bảo vệ hiệu quả và kịp thời hơn. Hiện có một số tổ chức đại diện tập thể quyền như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Nguồn tham khảo:

http://fdvn.vn/bao-ho-quyen-tac-gia-doi-voi-tac-pham-am-nhac-trong-moi-truong-ky-thuat-so-tai-viet-nam/

https://www.agllaw.com.vn/nhung-thach-thuc-trong-viec-bao-ho-quyen-tac-gia-trong-moi-truong-internet/

https://tuoitre.vn/vu-kien-221-ti-dong-giua-vng-tiktok-an-le-cho-van-de-ban-quyen-am-nhac-20200828090526095.htm

IPAC IP.,JSC

Hải Anh - Mai Phương

Bình luận: