Các mẫu gấp hình Origami có được bảo hộ bản quyền?

Các mẫu gấp hình Origami có được bảo hộ bản quyền?

2477

Origami là gì?

Origami là từ tiếng Nhật có nghĩa là gấp giấy (xuất phát từ “Ori” có nghĩa là gấp và “kami” có nghĩa là giấy). Origami là thuật tạo hình từ cách gấp giấy, bìa mà không sử dụng cách cắt dán. Đây là một loại hình nghệ thuật được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở Nhật Bản. Ngày nay, nghệ thuật gấp giấy Origami đã được công nhận là một loại hình nghệ thuật chính thống, được lan truyền và ưa thích trên thế giới thông qua các phương tiện truyền thông nhất là mạng Internet. Chỉ với các tấm giấy, bìa người nghệ sĩ Origami với bài tay khéo léo có thể gấp xếp thành hàng trăm ngàn hình thù và con vật ba chiều sống động với màu sắc đa dạng. Hàng ngày hàng trăm nghìn hình ảnh, viđêô hướng dẫn và thể hiện sản phẩm Origami được đăng tải và lan tỏa trên cộng đồng mạng toàn cầu.

Có hàng nghìn hiệp hội Origami ở các quốc gia kết nối những người yêu thích loại hình nghệ thuật này, hoạt động sáng tạo trên cơ sở tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Có rất nhiều các triển lãm quốc tế trưng bày các tác phẩm Origami và các cuộc thi gấp hình Origami. Với ý thức về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao của công chúng, số lượng người quan tâm đến vấn đề bản quyền liên quan tới các tác phẩm Origami cũng ngày càng tăng.

Có những luồng quan điểm khác nhau về vấn đề bản quyền đối với sản phẩm gấp giấy Origami:

  • Một số người cho rằng thuật gấp giấy Origami đã phổ biến toàn cầu nên các sản phẩm phải được coi là tài sản công cộng vì ai cũng có quyền gấp giấy theo các kỹ thuật gấp sẵn có và được chia sẻ rộng rãi;
  • Một số khác cho rằng tác phẩm gấp giấy Origami là tác phẩm của từng người gấp nên cần được bảo hộ như những tác phẩm nghệ thuật khác.

Tác giả xin đưa ra quan điểm riêng về vấn đề này như sau:

Tác phẩm gấp giấy Origami có thể được bảo hộ theo loại hình nào tại Việt Nam?

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Theo đó, tác phẩm phải do chính tác giả sáng tạo độc lập và không được sao chép từ tác phẩm khác. Khi đáp ứng điều kiện này, tác phẩm sẽ được bảo vệ bản quyền.

Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định về các loại tác phẩm được bảo hộ, trong đó tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Khoản 8 Điều 4 Luật SHTT quy định tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Việc tạo ra tác phẩm phái sinh phải có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm gốc được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Nếu áp dụng nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả vào nghệ thuật Origami, một tác phẩm Origami có thể được xếp vào loại hình tác phẩm nghệ thuật (ví dụ, tác phẩm tạo hình) và cách phối màu tạo thành các đường trang trí đặc biệt trên tác phẩm Origami hay cách sắp xếp các hình Origami thành hình ảnh nghệ thuật có thể được coi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Ngoài ra, các bước gấp giấy tạo nên một tác phẩm Origami có thể được tác giả viết ra và được bảo hộ dưới dạng tác phẩm viết. Ảnh chụp/viđêô thể hiện hình ảnh của các hình xếp Origami, các bước gấp xếp hình Origami cũng có thể được lồng ghép vào tài liệu hướng dẫn gấp hình Origami dưới dạng hình ảnh/bản ghi hình, và chúng có thể là đối tượng bảo hộ của pháp luật về bản quyền.

Nếu bạn gấp một tác phẩm tạo hình ba chiều dựa vào một tác phẩm là hình vẽ hai chiều thì tác phẩm của bạn là tác phẩm phái sinh.

Tác phẩm nào không thuộc đối tượng bản quyền?

Để gấp một hình Origami, người gấp có thể áp dụng một trong 2 cách sau hoặc có thể kết hợp chúng:

  • Các thuật gấp “truyền thống”

Chúng ta không biết được các tác giả cụ thể của các thuật gấp này, và chúng được xác định là tài sản thuộc về cộng đồng (public domain) mà mọi người có thể tự do sử dụng và không cần xin phép.

OrigamiUSA, tổ chức xã hội về Origami cho rằng “Origami truyền thống” là những Origami đã có tuổi thọ trên 100 năm. Thậm chí có tác phẩm Origami còn trở thành biểu tượng của cộng đồng, đơn cử hình ảnh hạc giấy Origami đã được công nhận là biểu tượng của hòa bình sau khi câu chuyện gấp 1000 con hạc giấy của cô bé Sadako Sasaki được lan truyền khắp nơi.

Bức tượng cô bé Sadako nâng hình con hạc giấy Origami

 

  • Các thuật gấp Origami “mới”

Một tác phẩm Origami thông thường được tạo ra dựa trên nhiều nếp gấp/xếp giấy để tạo ra một hình ba chiều hoàn chỉnh. Tác phẩm Origami không nhất thiết dựa theo cách gấp truyền thống mà hiện nay có rất nhiều cách gấp sáng tạo để tạo ra các hình thù khác nhau. Với một số mẫu Origami phức tạp tác phẩm cuối cùng là sự lồng ghép có ý đồ của người gấp từ nhiều kỹ thuật gấp/xếp khác nhau với cách phối hợp các cách gấp, ghép hình, phối màu sắc. Sản phẩm có thể là những con vật, hoa lá, cây cối, tòa nhà…

Nhiều nghệ sĩ Origami còn sáng tạo bằng cách gấp ướt – sử dụng giấy có chất kết dính hòa tan được trong nước. Khi giấy thấm nước, chất kết dính này sẽ giúp tăng độ co dãn đàn hồi của giấy khiến giấy mềm hơn và dễ tạo hình. Khi để khô chất kết dính sẽ giữ hình dạng của tác phẩm. Những tác phẩm gấp ướt sẽ có hình dạng độc đáo riêng so với tác phẩm gấp giấy khô.

Để tôn trọng nguồn gốc của thuật gấp giấy, các tác giả sau khi gấp xong vẫn thường gọi tên tác phẩm kèm theo tên gọi truyền thống Origami: con bướm Origami, chú chó Origami, thuyền buồm Origami… Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ các tác phẩm Origami mới này luôn mang dấu ấn sáng tạo riêng của người gấp, cho dù trong khi hoàn thành tác phẩm họ có thể sử dụng kết hợp cả thuật gấp truyền thống.

Đơn cử, trong tác phẩm Origami Buddha, nghệ sĩ Origami Nguyễn Hùng Cường đã xếp hình tượng phật ngồi trên tòa sen. Trong đó, tòa sen được xếp theo hình khối của bông sen truyền thống. Tuy nhiên, điểm sáng tạo của tác phẩm là bức tượng Phật Buddha. Khi kết hợp lại tạo ra tổng thể độc nhất do chính tác giả Hùng Cường sáng tạo ra.

Tác phẩm Origami có tên Buddha của nghệ sĩ Origami Nguyễn Hùng Cường

Tuy nhiên, cũng có trường hợp các tác phẩm Origami được lấy cảm hứng từ các nhân vật, vật xuất hiện trong những bộ phim, sách, truyện của những chủ sở hữu khác. Ví dụ như tác phẩm Origami Găng tay vô cực do nghệ sĩ Origami Nguyễn Hùng Cường sáng tạo là được dựa trên hình ảnh găng tay vô cực của Thanos trong bộ phim Avengers nổi tiếng.

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì những tác phẩm Origami đó có thể được xem là tác phẩm phái sinh của các nhân vật, vật nguyên mẫu. Việc tạo ra tác phẩm phái sinh như vậy phải có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, các tác phẩm Origami phái sinh này được tạo ra từ các nếp gấp giấy do người nghệ sĩ Origami sáng tạo ra, chúng đều mang dấu ấn riêng của họ. Do đó, khi có sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc thì các tác phẩm Origami phái sinh đó hoàn toàn có thể được bảo hộ quyền tác giả.

Tác phẩm Origami Infinity Gauntlet (Găng tay vô cực) của nghệ sĩ Origami Nguyễn Hùng Cường

Các tác phẩm này xứng đáng được bảo vệ và tác giả của các tác phẩm này cần được ghi nhận bản quyền đối với tác phẩm được tạo nên từ chính hoạt động sáng tạo của họ. Họ có quyền ngăn cấm người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình mà không xin phép.

Nhiều tác giả rất hào phóng trong việc chia sẻ các thuật gấp của mình, hướng dẫn mọi người gấp và đăng tải các hình ảnh hướng dẫn hoặc viđêô dạy cách gấp hình Origami trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn có thể sử dụng các cách gấp hình, các viđêô của họ tùy ý và miễn phí. Có nhiều kênh/trang cá nhân có ghi rõ nội dung về bản quyền và bạn cần đọc kỹ thông tin để hiểu quy định và tôn trọng bản quyền của tác giả/chủ sở hữu các kênh/trang chia sẻ thông tin đó.

Hình Origami Sarus Crane (Sếu đầu đỏ) và các bước thực hiện do nghệ sĩ Origami Nguyễn Hùng Cường sáng tạo và hướng dẫn

 

Như vậy:

  • Bạn không cần lo ngại về vấn đề bản quyền đối với các tác phẩm được tạo nên từ thuật gấp Origami truyền thống vì mọi người có thể tự do sử dụng chúng. Tuy nhiên, không hề có một danh sách đầy đủ về các Origami truyền thống này. Bạn nên tham khảo các ấn phẩm dạy gấp Origami của các nhà xuất bản/nguồn uy tín.
  • Sự sáng tạo trong các tác phẩm Origami hiện đại luôn cần được khuyến khích và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ:

+ Nếu bạn tạo ra được cách gấp giấy độc đáo, bạn cần ý thức rằng bạn có quyền tác giả đối với cách thức gấp đó và tác phẩm do bạn tạo ra. Ngược lại, bạn cần tôn trọng quyền tác giả của các tác giả Origami khác.

+ Nếu bạn sử dụng cách gấp sáng tạo của các tác giả khác, đặc biệt cho mục đích thương mại, thì bạn cần có sự đồng ý của tác giả (và có thể phải trả phí bản quyền) để tránh rủi ro vi phạm luật bản quyền và trách nhiệm pháp lý do xâm phạm tác quyền của các tác giả.

+ Bạn cũng cần lưu ý vấn đề xin phép tác giả của tác phẩm gốc của người khác khi tạo nên tác phẩm phái sinh dựa trên tác phẩm gốc.

Xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ Origami Nguyễn Hùng Cường (https://www.facebook.com/CuongOrigami) đã chia sẻ thông tin và cho phép chúng tôi đăng tải các tác phẩm của nghệ sĩ để minh họa cho bài viết này.

Hải Anh - Thu Hà

IPAC IP.,JSC

 

Bình luận: