Đổi quy định dán nhãn hàng hóa: Đừng làm khó doanh nghiệp thêm nữa

Đổi quy định dán nhãn hàng hóa: Đừng làm khó doanh nghiệp thêm nữa

869

Thêm việc cho doanh nghiệp

Cụ thể từ năm 2017 - 2019 đã có hai lần quy định pháp luật về dán nhãn và tiếp tục có thêm lần thay đổi thứ 3 dự kiến hiệu lực từ tháng 6-2021. Việc thay đổi quá thường xuyên như vậy gây tốn kém cho DN hàng ngàn tỉ đồng chỉ để thay nhãn mới.

Nghị định mới yêu cầu phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa (thường là nhà nhập khẩu) lên nhãn gốc mới được thông quan tại cửa khẩu. 

Trong khi đó, các DN đa quốc gia sản xuất ở nhiều nơi và bán hàng khắp thế giới có cùng một nhãn chính. Với quy định này, các nhà xuất khẩu sẽ phải thiết kế nhãn riêng cho VN gây tốn kém và không khả thi vì chỉ khi nào thị trường đủ lớn thì nhà sản xuất mới làm vậy.

Ví dụ, máy bay của Boeing/Airbus trước khi nhập về VN phải dán nhãn "Nhà nhập khẩu: VietJet hoặc Bamboo"... mới được nhập. Hay điện thoại iPhone, Nokia... trước khi xuất sang VN phải dán nhãn cho từng chiếc điện thoại với tên nhà nhập khẩu là Vinaphone, MobiFone, FPT... Điều này chắc là Apple hay Nokia sẽ không thể đáp ứng.

Hàng xuất khẩu cũng gặp khó

Theo ông Trần Quang Trung - Hiệp hội Sữa VN, việc quy định phải ghi thông tin bằng chữ của nước nhập khẩu cũng vô lý vì nhiều quốc gia dùng chữ tượng hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông thì làm sao các cơ quan chức năng đọc được mà quản lý. 

Đổi quy định dán nhãn hàng hóa: Đừng làm khó doanh nghiệp thêm nữa - Ảnh 1.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thường sản xuất nhãn sản phẩm với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí. Nếu điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng cho hàng hóa đã được sản xuất/nhập khẩu trước thời điểm hiệu lực của nghị định thì doanh nghiệp phải hủy một lượng lớn nhãn đã sản xuất. Thế mà những quy định về dán nhãn này cứ thay đổi khoảng 2 năm một lần.

Nhưng đổi nhãn chưa phải là quy định gây khó nhất mà Bộ Khoa học và công nghệ đưa ra trong nghị định sửa đổi lần này. Các doanh nghiệp cả xuất và nhập khẩu đều đang đứng ngồi không yên trước yêu cầu phải ghi tên thương nhân chịu trách nhiệm hàng hóa (thường là nhà nhập khẩu) lên nhãn gốc của hàng mới được thông quan.

Có thể dễ hiểu rằng trên tất cả các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam hoặc từ Việt Nam xuất đi đều phải ghi rõ nội dung tên của đơn vị nhập khẩu. Đây là một quy định rất bất hợp lý và không cần thiết bởi hàng hóa từ nhà sản xuất có thể xuất đi nhiều nước nên họ không thể đáp ứng yêu cầu riêng biệt cho Việt Nam trừ khi Việt Nam mua hàng khối lượng đủ lớn để họ có thể làm nhãn riêng. 

Thêm nữa, do quá trình toàn cầu hóa, một sản phẩm có thể gia công tại nhiều địa điểm khác nhau, nhà sản xuất không thể thể hiện hết thông tin địa chỉ gia công này trên nhãn gốc sản phẩm. Vì vậy người ta mới sinh ra nhãn phụ để ghi thêm các thông tin này.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết nhãn mác trên bao bì xuất khẩu còn do phía người mua quy định theo yêu cầu của nước nhập khẩu, họ không yêu cầu phải ghi như quy định tại Việt Nam. Yêu cầu nhãn hàng hóa chỉ để cho xuất khẩu cũng phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Việt Nam sẽ gây khó khăn rất lớn cho xuất khẩu, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn vì dịch COVID-19.

Do đó, việc yêu cầu đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi, có thể vi phạm các điều khoản của FTA mà Việt Nam là thành viên, nguy cơ dẫn tới đóng băng thương mại với nhiều mặt hàng.

Cũng mới đây, chính Bộ Khoa học và công nghệ đưa ra quy định phải có xác nhận của bộ này về in mã số mã vạch trên các gói sản phẩm xuất khẩu đã làm điêu đứng hàng ngàn doanh nghiệp.

Theo các doanh nhân, những vấn đề bất hợp lý trên là không phù hợp với các nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính.

Hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ là việc tạo điều kiện khi làm thủ tục xuất khẩu mà phải hỗ trợ ngay từ việc xây dựng chính sách. Nếu chỉ hỗ trợ bằng hô hào khẩu hiệu nhưng thực tế lại làm khó, thậm chí làm trái lại chủ trương chung của Chính phủ thì rất dễ xảy ra hiện tượng cài cắm chính sách để làm khó doanh nghiệp, để trục lợi từ những quy định mà mới nghe qua tưởng như rằng rất vì doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp Việt Nam đang cực kỳ khó khăn, mỗi đơn hàng bán đi là thêm một ngày doanh nghiệp tồn tại và hi vọng vào tương lai. Hãy thương lấy doanh nghiệp!

Nguồn: Báo Tuổi trẻ online 

https://tuoitre.vn/doi-quy-dinh-dan-nhan-hang-hoa-dung-lam-kho-doanh-nghiep-them-nua-20200713082433075.htm

https://tuoitre.vn/them-quy-dinh-ghi-nhan-qua-kho-20200711080529247.htm

 

Bình luận: