Tiki (Việt Nam) với Lazada (Trung Quốc)
Kể từ khi lĩnh vực thương mại điện tử được hình thành và phát triển mạnh tại Việt Nam, rất nhiều thương hiệu nước ngoài đã nắm lấy cơ hội để thâm nhập vào thị trường này, một nơi “hoang sơ” với rất nhiều đất để khai phá. Shopee hay Lazada là một trong những cái tên đầu tiên đặt nền móng cho lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Có thể nói, thời kỳ 2017, 2018 là thời kỳ vàng son trong bước đường phát triển của 2 thương hiệu này.
Tuy nhiên, dù phát triển là thế nhưng các thương hiệu Việt cũng “không chịu đứng nhìn”. Minh chứng là hàng loạt cái tên nổi trội ra đời như: Ađâyrồi! (Vingroup). Sendo (FPT), Vatgia (VNP Group)…. và đặc biệt, thương hiệu hiện đang là niềm tự hào của ngành thương mại điện tử Việt Nam - “Tiki”. Tiki là một thương hiệu có xuất phát điểm là nền tảng mạnh về bán sách, được thành lập vào năm 2010. Thế nhưng, hãng đã có những bước đường phát triển chậm nhưng chắc. Chính lý do này khiến đã thương hiệu trở thành một trong những cái tên sáng giá nhất của thương mại điện tử Việt Nam. Tiki.vn là một trong những siêu thị mua sắm trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tại, Tiki đã đạt tới con số hơn 800.000 khách hàng, đồng thời cung cấp đến 120.000 sản phẩm ở nhiều ngành hàng khác nhau. Quan trọng hơn cả, Tiki trong thời gian gần đây đã đạt thành tích xuất sắc khi vượt Lazada, vươn lên vị trí thứ 2 trên bản đồ ngành thương mại điện tử trong nước. Có thể nói, Tiki đang có những bước phát triển cực tốt trong vòng một năm trở lại đây, khi được định vị là thương hiệu Việt có chất lượng tốt, cùng với đó là sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đơn vị đầu tư vốn. Trong năm 2019 này, chiến dịch “Tiki đi cùng sao” gây bão trên mặt trận truyền thông, là một bước đệm quan trọng để hãng gặt hái được “trái ngọt” như hiện tại.
Be (Việt Nam) với Grab (Singapore)
Thị trường ứng dụng gọi xe nhanh đã được hình thành và phát triển tại Việt Nam từ những năm 2014, đến nay, nó đã trở thành một thứ không thể thiếu với đại đa số khách hàng. Trở về những năm trước, khi Grab vs Uber đã tạo nên cuộc chiến khốc liệt tại thị trường Việt nam, tuy nhiên sự kiện Grab thâu tóm Uber vào đầu năm 2018 đã gây ra những sự bất ngờ trên các diễn đàn. Grab tạo nên một thị trường độc quyền trong suốt thời gian dài tại Việt Nam, rất nhiều thương hiệu đã gia nhập và khá “lép vế” so với những gì mà Grab tạo nên.
Sự xuất hiện của các ứng dụng “Made in Vietnam” là một minh chứng cho việc không có gì là không thể. FastGo hay Be ra đời, trong khi FastGo dù ra mắt trước và còn đang chật vật với định hướng của mình, thì Be đã vươn lên trở thành thương hiệu đứng thứ 2 về thị phần gọi xe nhanh, “đe dọa” thị phần từ ông lớn Grab. Be được VPBank hỗ trợ nhiệt tình và hãng cũng có được cho mình những chiến lược quảng cáo tại nhiều địa điểm đẹp ở những thành phố lớn, tiêu biểu nhất là tòa nhà VPBank tại Hà Nội. Be hiện nay đang được cho là “đối thủ xứng tầm” của Grab tại thị trường 97 triệu dân này.
Zalo (Việt Nam) với KakaoTalk (Hàn Quốc), Viber (Nhật), Whatsapp (Mỹ)
Thời điểm năm 2013 – 2014, khi Kakao Talk của Hàn Quốc, Viber của Nhật hay Whatsapp của Mỹ có những sự thành công nhất định tại nhiều thị trường trên Thế giới, và khi bước chân vào Việt Nam, ngay lập tức những ứng dụng này đã đạt được những tiếng vang nhất định.
Tuy nhiên, vào năm 2012, một ứng dụng của tập đoàn nổi tiếng VNG ra đời với tên Zalo, một trong những thương hiệu hiện đang chiếm lĩnh thị phần số 1 ứng dụng trong nước. Chẳng ai ngờ được, trong thời điểm mà rất nhiều “đại gia” ứng dụng trên thế giới đứng chung một ô đất như vào thời điểm 2013, thì một ứng dụng “Made in Vietnam” chân ướt chân ráo bước chân vào thị trường lại có thể đánh bật họ ra ngoài lãnh thổ trong thời gian ngắn đến như vậy. Chỉ từ năm 2013, đến năm 2015, Zalo là cái tên được nhắc tới nhiều nhất, minh chứng là hiện nay: Viber với số lượng ít ỏi người dùng, Kakao Talk lặn mất tăm và Whatsapp chẳng thấy mặt đâu. Zalo đã cho thấy mình là thương hiệu Việt có thể thành công nhờ chiến lược am hiểu người dùng nội địa, cùng với đó là những màn quảng cáo chi mạnh tay khiến tỷ lệ tiếp cận đến khách hàng cao. Hiện nay, thương hiệu Việt này đã có về cho mình 100 triệu người dùng và không chỉ nổi tiếng trong nước, hiện Zalo đã bắt đầu xâm chiếm những thị trường khác.
Luxstay (Việt Nam) với Airbnb (Mỹ)
Nền kinh tế chia sẻ được nhiều chuyên gia nhận định đang hình thành và phát triển mạnh tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, rất nhiều thương hiệu đang thành công dựa trên tiềm năng của nền kinh tế mới đó. Airbnb là một trong những ví dụ điển hình khi là một ứng dụng cho thuê nhà ở, lấy dữ liệu từ những người dân có mong muốn cho thuê. Hệ thống của Airbnb từ đó mà lớn mạnh theo thời gian và đạt được những thành công nhất định tại nhiều quốc gia, chính mô hình chia sẻ này đã khiến hãng được định giá là Start-up tỷ đô trong vòng 10 năm thành lập.
Airbnb có nền tảng công nghệ tốt, cùng với đó là hệ thống Networking rộng rãi từ châu Âu sang châu Á. Khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, không khó để Airbnb tiếp cận khách hàng của mình. Thế nhưng, Luxstay – một thương hiệu Việt chẳng phải dạng vừa, khi dù mới chỉ thành lập nhưng Luxstay nhận được đầu tư “khủng” khi xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 3 và thu về 6 triệu USD từ 3 nhà đầu tư. Luxstay có vốn điều lệ 68 tỷ đồng, đã gọi thành công 3 vòng vốn với tổng giá trị 168 tỷ đồng. Năm 2018, GMV (tổng giá trị giao dịch) tăng từ 300.000 USD (GMV năm 2017) lên 2,2 triệu USD. Tháng 6 năm 2019, GMV của Luxstay là 1,7 triệu USD, bằng tổng GMV 6 tháng cuối năm 2018. Hiện tại thương hiệu cho thuê nhà ở này đang có sức tăng trưởng mạnh mẽ từ sau khi nhận được 6 triệu USD đầu tư, thêm vào đó với việc thị phần tăng nhanh theo cấp số nhân trong 2 tháng trở lại đây thì Airbnb đang bị đe dọa rất nhiều. Với lợi thế là doanh nghiệp Việt Nam, am hiểu cũng như có nhiều mối quan hệ trong nước, Luxstay được nhận định sẽ là niềm tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực cho thuê nhà ở.
Lotus, Gapo (Việt Nam) với Facebook, Instagram, Twitter (Mỹ)
Mạng xã hội đang là thị trường hết sức tiềm năng hiện nay tại Việt Nam khi mà các thương hiệu liên tiếp gia nhập và tạo ra những hiệu ứng truyền thông vô cùng mạnh mẽ. Zingme một thời tưởng chừng sẽ có thể đánh bại Facebook và tạo ra một thế trận đáng mơ ước tại thị trường nội địa, nhưng bởi chiến lược sai lầm, Zingme đã không đạt được hiệu ứng như mong đợi và Faecbook vươn lên khi có 60 triệu người dùng hiện tại. Instagram cũng là thương hiệu hiện nay có độ phủ hết sức lớn và là một nền tảng mạng xã hội có nhiều tính năng độc lạ.
Thế nhưng, kể từ năm 2019 đến nay, rất nhiều thương hiệu Việt đã gia nhập vào thị trường mạng xã hội, tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook hay Instagram. Gapo là nền tảng mạng xã hội do G-Group đầu tư và phát triển vào tháng 7 năm nay, sau 2 tháng triển khai, hãng đã đạt được 2 triệu người dùng tại Việt Nam, một con số rất ấn tượng với một mạng xã hội mới ra mắt. Thêm vào đó là Lotus, một đối thủ của Gapo vừa được ra mắt vào tháng 9, màn ra mắt của thương hiệu này được đánh giá cực hoành tráng và bài bản, gây bão mạng xã hội trong thời gian dài. Lotus là ứng dụng được VCCorp – Tập đoàn hàng đầu về quảng cáo trực tuyến phát triển, đây được xem là mạng xã hội có được sự hỗ trợ tốt từ Chính phủ, và được chính Vingroup đầu tư. Hiện nay, chưa thể nói là 2 mạng xã hội này có thành công hay không, nhưng những gì Lotus hay Gapo đang làm sẽ đem đến những triển vọng trong tương lai, mạng xã hội Việt có thể “đánh bật” Facebook tạo nên một thế trận chỉ toàn các mạng xã hội Việt.
Bình luận: