Tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bị giả mạo trên sàn tranh quốc tế

Tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bị giả mạo trên sàn tranh quốc tế

1034

Trong phiên đấu giá ngày 10/10/2021, nhà đấu giá Hồng Kông Trung Quốc Sotheby’s đã bày bán nhiều tác phẩm tranh Đông Dương, trong đó có bình phong sơn mài trên gỗ có tên “Nhà tranh gốc mít” đề tên họa sĩ là Nguyễn Văn Tỵ.

“Nhà tranh gốc mít” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của cố họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Hiện nay tác phẩm được lưu giữ và trưng bày tại không gian trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, trên sàn đấu giá Sotheby’s, phần ghi chú có đề bức bình phong sơn mài ra đời năm 1957. Việc sử dụng tên tác phẩm trùng lặp và thời gian sáng tác tương đương với bức “Nhà tranh gốc mít” được họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cho ra đời vào năm 1958 hoàn toàn có khả năng gây hiểu lầm về nguồn gốc của tác phẩm là của cố họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Văn Tỵ. Nhất là bức họa do Sotheby’s đấu giá có rất nhiều chi tiết tương đồng với bức họa của cố họa sĩ.

Việc sao chép lại tác phẩm rồi đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ là không được phép. Việc mạo danh tác giả hay sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được coi là hành vi xâm phạm tới quyền tác giả theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và vi phạm Công ước Berne về Bảo hộ các Tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam là thành viên.

Đây không phải là lần đầu tiên sàn đấu giá Sotheby's đưa ra một tác phẩm giả mạo bởi trước đây nhiều tác phẩm mạo danh các họa sĩ có tiếng của Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí cũng từng bị gỡ khỏi trang web sau khi bị tố là giả mạo. Không khó nhận ra sự mạo danh vì tại thời điểm Sotheby’s đấu giá, hai tác phẩm "Lá thư" và "Hai cô gái” của Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn cũng đang được bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ và trưng bày, và tác phẩm sơn mài “chép” của Sotheby’s đã bộc lộ rõ các chi tiết “sạn” không thể sánh với các tác phẩm Dân quê Việt và Phong cảnh của họa sĩ sơn mài tài hoa Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí.

Bên cạnh sàn đấu giá Sotheby’s, còn rất nhiều sàn đấu giá quốc tế khác cũng đã từng sử dụng tranh giả mạo với hình thức tương tự. Đơn cử như sự việc diễn ra vào ngày 12/3/2020, sàn đấu giá trực tuyến của Aguttes (Pháp) đưa lên bức sơn mài có thông tin tác giả là họa sĩ Nguyễn Thụ, mang tên “Thuyền buồm dưới ánh trăng”, sơn mài thếp vàng, được bán với giá 400€. Trước đó, ngày 21/6/2018, bức sơn mài “Gánh hàng hoa” cũng được đưa lên sàn nhà đấu giá Lynda Trouvé tại Trung tâm đấu giá danh tiếng Drouot, Paris, dưới tên họa sĩ Nguyễn Thụ, chất liệu sơn mài cẩn trứng, giá khởi điểm được đề nghị là 300 /500€. Điều đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Thụ là người dành tâm huyết cả đời cho những bức tranh lụa, ông chưa từng sáng tác một bức tranh sơn mài nào. Ngoài ra, cả hai tác phẩm nói trên đều có giá bán khá thấp so với giá tranh thực tế (lên tới vài nghìn đô một bức) của họa sĩ tên tuổi như Nguyễn Thụ.

Bức sơn mài “Thuyền buồm dưới ánh trăng” mạo danh hoạ sĩ Nguyễn Thụ (chữ ký góc phải tranh)

Nguồn ảnh: AGUTTES

 

Bức tranh “Gánh hàng hoa” được rao bán trên sàn nhà đấu giá Lynda Trouve

Nguồn ảnh: LYNDA TROUVÉ

Những năm gần đây, dòng tranh Đông Dương ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế, có lẽ bởi vậy mà ngày càng nhiều tác phẩm bị sao chép một cách trắng trợn, nhiều tên tuổi họa sĩ gạo cội của hội hoa Việt Nam bị mạo danh trên các sàn đấu giá nước ngoài. Đây quả thực là một hiện tượng đáng buồn của một số sàn đấu giá quốc tế trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những sự việc như vậy cũng đã phần nào gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà sưu tập cần phải tỉnh táo, sáng suốt, thận trọng, phải có một kiến thức am hiểu về mỹ thuật để có thể mua được những tác phẩm đích thực trên thị trường Việt Nam, không những để đảm bảo một môi trường mỹ thuật lành mạnh mà hơn hết còn giúp nâng cao giá trị của tranh Việt trên thị trường quốc tế. Và cần thiết có một cơ chế hiệu quả giúp các nhà sưu tập có thể kiểm chứng các tác phẩm nguyên tác trên các sàn giao dịch/đấu giá, nhất là các sàn giao dịch trực tuyến; giúp các tác giả/chủ sở hữu tác phẩm có cơ chế kiểm soát và khẳng định quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của họ đối với các tác phẩm nghệ thuật “đạo nhái”.

IPAC IP.,JSC

Hải Anh & Mai Phương

Nguồn:

https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/san-dau-gia-sothebys-go-tranh-nhai-cua-co-hoa-si-nguyen-van-ty-20211006132104025.htm

https://anninhthudo.vn/hoa-si-nguyen-thu-keu-cuu-vi-bi-mao-danh-trang-tron-tren-san-dau-gia-quoc-te-post426692.antd

http://baovanhoa.vn/am-thuc/artmid/2071/articleid/27969/mot-hoa-si-keu-cuu-vi-bi-mao-danh-tren-san160dau-gia-quoc-te

Bình luận: