Thế vận hội Olympic và các tài sản sở hữu trí tuệ

Thế vận hội Olympic và các tài sản sở hữu trí tuệ

1293

Giới thiệu về Thế vận hội Olympic

Giới thiệu về Thế vận hội Olympic

Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao toàn cầu dưới sự bảo trợ chung của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), quy tụ các vận động viên tiêu biểu của các quốc gia đến từ mọi châu lục, nhằm tôn vinh các môn thể thao và các thành phố, quốc gia đăng cai. Bên cạnh những lợi ích và cơ hội dành cho thành phố đăng cai, việc tổ chức Thế vận hội cũng đòi hỏi kế hoạch chuẩn bị dài hạn. Tất cả các bên liên quan của Olympic phải phối hợp một cách chặt chẽ trong nhiều năm để giúp cho Thế vận hội thành công và đảm bảo để lại di sản tích cực và lâu dài qua các kỳ thế vận hội. Quá trình này gắn liền với việc áp dụng chiến lược bảo hộ tài sản trí tuệ và được coi như một “Hành trình sở hữu trí tuệ”. Hành trình sở hữu trí tuệ của mỗi kỳ Thế vận hội bắt đầu khoảng 10 năm trước khi sự kiện diễn ra. Trong mỗi giai đoạn, các tài sản trí tuệ được tạo ra, chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc được bảo mật theo các cách khác nhau.

Ý nghĩa của tài sản sở hữu trí tuệ với Thế vận hội Olympic

Các tài sản sở hữu trí tuệ Olympic không những giúp khẳng định giá trị của việc tổ chức các kỳ thế vận hội mà còn là đại sứ hình ảnh của Thế vận hội thể thao toàn cầu. Mọi người trên khắp thế giới đều liên kết chúng với các giá trị cơ bản của thể thao và của Phong trào Olympic. Với phạm vi bao phủ các quốc gia thành viên trên toàn thế giới, IOC cần phải bảo vệ các tài sản Olympic của mình ở cấp độ quốc tế.

Bằng cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Phong trào Olympic có thể nâng cao danh tiếng của mình và thu hút các đối tác thương mại. Doanh thu do IOC tạo ra từ nguồn tài trợ của các công ty, tiền bản quyền phát sóng và từ việc cấp phép không chỉ cung cấp các nguồn lực có giá trị để tài trợ cho hoạt động của Thế vận hội mà còn góp phần vào sự phát triển của thể thao nói riêng và thúc đẩy các mục tiêu nhân đạo rộng lớn hơn trên mọi phương diện của thế giới nói chung.

IOC chỉ giữ lại 10% trong tổng số doanh thu để chi trả chi phí hoạt động của việc điều hành Thế vận hội Olympic. 90% còn lại thuộc về các tổ chức đã hỗ trợ việc tổ chức Thế vận hội Olympic, thúc đẩy sự phát triển thể thao trên toàn thế giới và thúc đẩy các giá trị Olympic. Mỗi ngày, IOC phân phối hơn 3,4 triệu USD để hỗ trợ các vận động viên và các tổ chức thể thao ở mọi cấp độ trên toàn thế giới. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có các khoản tiền được tạo ra từ việc sử dụng chiến lược các tài sản SHTT trong khi tổ chức Thế vận hội Olympic.

Tài sản sở hữu trí tuệ gắn với Thế vận hội Olympic

Nhãn hiệu

Tất cả các tài sản trí tuệ bao gồm biểu tượng, biểu trưng và các ký hiệu riêng liên quan đến Thế vận hội Olympic đều được bảo vệ hợp pháp thông qua việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu.

Biểu tượng Olympic gồm năm vòng tròn lồng vào nhau là một trong những biểu tượng toàn cầu dễ nhận biết nhất, đại diện cho sự liên hiệp của năm châu lục và cuộc gặp gỡ của các vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tại Thế vận hội Olympic. Trên thực tế, uy tín và tính độc đáo của những vòng tròn Olympic nằm ở chỗ chúng được bảo vệ bởi hiệp ước riêng của họ – Hiệp ước Nairobi năm 1981 về Bảo vệ Biểu tượng Olympic - yêu cầu các bên ký kết “cấm bằng các biện pháp thích hợp” việc sử dụng biểu tượng cho các mục đích thương mại trừ khi được IOC cho phép làm như vậy.

IOC đã đăng ký nhãn hiệu 5 vòng tròn Olympic thông qua Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Điều này cho phép IOC kiểm soát cách biểu tượng được khai thác thương mại, cho dù thông qua Chương trình Đối tác Olympic của các nhà tài trợ doanh nghiệp lớn hay các thỏa thuận cấp phép để sản xuất hàng hóa.

Biểu tượng năm vòng tròn Olympic. Nguồn ảnh: Olympic.com

Ngoài ra, IOC cũng đăng ký các nhãn hiệu với các từ "Olympic", "Olympiad" và "Thế vận hội Olympic ".

Tương tự, các thành phố đăng cai thường đăng ký nhãn hiệu khi họ đăng ký làm ứng cử viên đăng cai Thế vận hội với một công thức nhãn hiệu chung gồm:

  • phần hình chứa biểu tượng chính thức của phiên bản Thế vận hội Olympic đó
  • phần chữ “tên thành phố - năm”.

Ví dụ: đăng ký nhãn hiệu cho Thế vận hội Olympic ở Tokyo 2020, Paris 2024, Bắc Kinh 2022 và Los Angeles 2028. Việc bảo hộ nhãn hiệu cho biểu trưng như trên cũng cho phép Ủy ban Olympic quốc gia thương mại hóa Thế vận hội và ngăn chặn hàng hóa hoặc dịch vụ giả mạo nhằm trục lợi từ thiện chí liên quan đến Thế vận hội.

Nguồn ảnh: Ủy ban Olympic quốc tế (IOC)

Tên miền

Tên miền được đăng ký thuộc cấp cao nhất (tên miền quốc gia) và cấp cao chung. Ví dụ: các thành phố ứng cử viên cho Thế vận hội mùa đông Olympic năm 2026 đã có tên miền: www.stockholmare2026.com vàwww.milanocortina2026.coni.it. Mục đích là để duy trì hệ thống trực tuyến và ngăn chặn mọi hành vi chiếm dụng tên miền (cybersquatting) liên quan đến một thành phố đăng cai tiềm năng.

Kiểu dáng công nghiệp

Ngọn đuốc - biểu tượng của Thế vận hội Olympic được thắp sáng và đếm ngược thời gian thắp sáng trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic. Ngọn đuốc này được thiết kế đặc biệt cho từng kỳ Thế vận hội sẽ được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và trong một số trường hợp, được bảo hộ bản quyền và bằng sáng chế.

Ngọn đuốc Olympic cho Thế vận hội Olympic Rio 2016 được thiết kế bởi studio thiết kế Chelles & Hayashi. Nguồn ảnh: Courtesy of Chelles & Hayashi Design

Sáng chế

Nhiều công nghệ phát thanh truyền hình sáng tạo đã được triển khai (lần đầu tiên tại Tokyo 2020), như việc phát triển một nền tảng đám mây sáng tạo cho phép các đài truyền hình quốc tế hoạt động từ xa giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến dịch bệnh Covid. Bên cạnh đó, phần lớn nội dung bao gồm các cảnh quay được thu thập từ các công nghệ tiên tiến, được bảo hộ thông qua bằng sáng chế do các công ty tư nhân phát triển như ‘Hawkeye’- công nghệ theo dõi đường bóng tiên phong được sử dụng trong quần vợt và bóng đá, hay ‘Twinscam’- công nghệ cho phép xem hoạt động trong hồ bơi đồng thời ở trên và dưới mức bề mặt, kể từ Thế vận hội London 2012.

Để hỗ trợ phát sóng toàn cầu về một sự kiện lớn như Thế vận hội, có rất nhiều công nghệ âm thanh và hình ảnh đang được ứng dụng, bao gồm cảm biến, công nghệ xử lý hình ảnh và truyền dữ liệu. IOC sẽ trả tiền cho các công ty sở hữu bằng sáng chế để có quyền sử dụng các công nghệ này trong các sự kiện và chương trình phát sóng Olympic, từ đó khuyến khích đổi mới sáng tạo hơn nữa.

Ngoài ra, tùy từng phiên bản (cấu phần) của Thế vận hội, ngọn đuốc Olympic cũng có thể trở thành đối tượng được bảo hộ sáng chế như đã đề cập ở trên.

Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả

Ở giai đoạn đăng kí trở thành quốc gia đăng cai Thế vận hội, dữ liệu liên quan đến các môn thể thao được đề xuất, thậm chí nội dung biên soạn, quản lý và sắp xếp chúng cũng có thể đủ điều kiện để được bảo vệ bản quyền.

Các buổi lễ tại Thế vận hội Olympic sẽ là sự bùng nổ tuyệt vời của màu sắc và âm nhạc. Những sự kiện này cho phép quốc gia đăng cai thể hiện bản sắc và truyền thống văn hóa độc đáo của mình. Để bảo vệ tính toàn vẹn và tính độc nhất của Thế vận hội, tất cả các tác phẩm nghệ thuật - bao gồm cả âm nhạc được ghi lại hoặc biểu diễn trực tiếp, bản nhạc, cảnh dàn dựng, ảnh chụp, bản ghi âm nghe nhìn và các nội dung khác được sử dụng trong các buổi lễ hoặc các sự kiện khác, bao gồm các cuộc thi như trượt băng nghệ thuật cũng sẽ được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Màn biểu diễn tại lễ nhận cờ đăng cai Olympic 2020 của Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images)

Cuối cùng, các quyền liên quan sẽ bảo vệ tài sản của các đài truyền hình, cho phép các nền tảng truyền hình, kỹ thuật số và truyền thông toàn cầu được phát sóng. Nhờ các đài truyền hình nắm bản quyền, Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao được xem nhiều nhất trên thế giới. Bởi vậy, các tổ chức truyền thông phải trả những khoản tiền đáng kể để được độc quyền phát sóng.

Biện pháp bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ của Thế vận hội Olympic

IOC đã chấp nhận việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội, để tương tác và thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, IOC đã đưa ra một loạt các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình và của các đài truyền hình nắm giữ quyền để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền trực tuyến.

  • Một biện pháp đơn giản là cung cấp nội dung chất lượng cao và phong phú và có sẵn miễn phí trên các nền tảng trên toàn thế giới, giảm động cơ truy cập vào các viđêô vi phạm bản quyền.
  • Tuy nhiên, IOC cũng sử dụng công nghệ chống vi phạm bản quyền tiên tiến để ngăn chặn, theo dõi và thực hiện hành động chống lại việc tải lên trái phép nội dung Olympic, với sự hợp tác của các trang web chia sẻ viđêô lớn và các cơ quan có liên quan tại các quốc gia đăng cai Thế vận hội.

Những biện pháp này đã giảm đáng kể việc vi phạm bản quyền các cảnh quay từ Thế vận hội trong những năm gần đây.

IPAC IP.,JSC

Mai Phương

Nguồn: 

https://www.wipo.int/ip-outreach/en/ipday/2019/intellectual_property_olympic_games.html?fbclid=IwAR3CxGL_hhR7Nv_wjQ-On4XXdz2WT6fRnKa2dvq3JvGE85lDh_m56AhbDbE

https://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2016/04/article_0004.html

https://stillmed.olympic.org/media/Document%20Library/OlympicOrg/General/EN-Olympic-Charter.pdf#_ga=2.81170069.300098427.1555491318-1907125124.1543937215

https://www.wipo.int/ip-sport/en/olympic.html

 

 

 

Bình luận: