Thương hiệu Việt dần bừng lên trên bản đồ sản xuất thế giới

Thương hiệu Việt dần bừng lên trên bản đồ sản xuất thế giới

572

 

thuong hieu viet dan bung len tren ban do san xuat the gioi
Người dân đổi SIM 4G tại cửa hàng Telemor - thương hiệu Viettel tại Đông Timor

“Điểm danh” thương hiệu Việt

Với một quốc gia đang có tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng như Việt Nam, việc các DN bước chân ra thị trường thế giới không còn là chuyện “hiếm có khó tìm”. Vấn đề đáng bàn hiện nay là trên bản đồ thế giới, các thương hiệu Việt Nam đang ở vị trí nào.

Theo bảng xếp hạng những thương hiệu giá trị hàng đầu Việt Nam được Forbes công bố mới đây, tổng giá trị thương hiệu của 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam năm 2019 đạt hơn 9,3 tỷ USD. Trong top 10 thương hiệu dẫn đầu, Vinamilk xếp vị trí đầu tiên với trị giá lên tới 2,2 triệu USD, Viettel đứng thứ 2 với trị giá 1,3 triệu USD...

Một trong những thương hiệu của Việt Nam đã định danh không chỉ trong nước mà cả thế giới là Vinamilk (Vinamilk 2 năm liền trong Top 10 Công ty nộp thuế nhiều nhất Việt Nam. Năm 2017, Vinamilk xếp ở vị trí thứ 6 trong danh sách với tổng thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp lên tới 1.800 tỷ đồng-PV). DN này đã có sự nhạy bén trong chiến lược kinh doanh, chú trọng đầu tư vào công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế và hướng đến sự phát triển bền vững. Sự đầu tư của Vinamilk vào các trang trại bò sữa tiêu chuẩn quốc tế cũng đã ghi dấu ấn trên bản đồ sữa thế giới với "Hệ thống trang trại bò sữa theo tiêu chuẩn Global G.A.P lớn nhất của châu Á về số lượng trang trại”. Bên cạnh đó, Vinamilk đang triển khai xây dựng 1 tổ hợp trang trại bò sữa Organic tại Lào, có quy mô siêu lớn lên đến 100.000 con trên diện tích 20.000ha với tổng đầu tư 500 triệu USD.

Ngoài ra, Vinamilk bắt đầu khai thác thị trường xuất khẩu từ năm 1998 với mức tăng trưởng bình quân 24%/năm. Sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trên thế giới bao gồm khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và các nước khác. Chiến lược này được đánh giá là sẽ giúp Vinamilk tiến nhanh hơn đến mục tiêu Top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới cũng như dẫn đầu khu vực trong những xu hướng dinh dưỡng tiên tiến.

thuong hieu viet dan bung len tren ban do san xuat the gioi
10 thương hiệu có giá trị cao nhất Việt Nam. Biểu đồ: T.Bình

Cũng với chiến lược mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, nhưng Viettel lại có cách xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế hoàn toàn khác biệt. Dù có mặt ở nhiều quốc gia nhưng Viettel không đưa thương hiệu Viettel tới các thị trường này, mà ở mỗi quốc gia, Tập đoàn này lại có một mạng di động với tên gọi riêng, logo riêng, định vị thương hiệu riêng. Đó là: Metfone ở Campuchia, Unitel tại Lào, Bitel ở Peru, Lumitel ở Burundi, Telemor ở Đông Timor, Nexttel ở Cameroon, Mytel ở Myanmar, Natcom ở Haiti, Movitel ở Mozambique, Halotel ở Tanzania…

Cũng như tại Việt Nam, nhờ vào thế mạnh về công nghệ, con người, mỗi mạng di động của Viettel trên thị trường quốc tế đều đã được người tiêu dùng đón nhận. Tiêu biểu như tại Peru, khi đầu tư tại đây, Viettel xác định phải cạnh tranh khốc liệt với những nhà mạng đã phát triển lâu năm. Nhưng chỉ sau 2 năm kinh doanh, Bitel đã có lãi và trở thành nhà mạng được yêu thích nhất với chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng ở mức cao (theo nghiên cứu điều tra của Arellano - công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường hàng đầu tại Peru).

Ngoài 2 thương hiệu nổi bật nêu trên, có nhiều thương nhiệu của Việt Nam khác cũng đã “mang chuông đi đánh xứ người” và đã thu về nhiều thắng lợi. Có thể “điểm danh” hàng loạt tên tuổi như Tập đoàn TH đầu tư nhà máy chế biến sữa tại Nga với tổng vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD; trong lĩnh vực vật liệu xây dựng có Viglacera, trong lĩnh vực may mặc có Việt Tiến… với hệ thống cửa hàng ở các quốc gia Đông Nam Á; hoặc nhiều ngân hàng cũng đã mở rộng chi nhánh tại khu vực ASEAN…

Đặc biệt, với tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam như Vingroup, việc đưa tên tuổi, thương hiệu ra thế giới đã được xác định bằng nhiều hoạt động kinh doanh táo bạo, có tính đột phá. Đáng chú ý nhất là việc Vingroup thành lập Công ty VinFast – chuyên sản xuất, kinh doanh ô tô, xe máy điện với nhà máy sản xuất có quy mô và hiện đại hàng đầu thế giới. Việc này đã giúp tạo thành bước ngoặt có tính lịch sử cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đánh dấu mốc mới ghi danh Việt Nam là nước có công nghiệp ô tô trên bản đồ thế giới.

Vững chắc “nền móng”

Nhiều chuyên gia ví von việc xây dựng thương hiệu cũng như xây nhà, móng có chắc mới có thể nghĩ đến việc xây dựng tiếp. Đặc biệt, khi bước ra “biển lớn”, sự vững chắc của nền móng thương hiệu càng phải được củng cố, phải biết được đâu là điểm mạnh – điểm yếu để có chiến lược phù hợp.

Chia sẻ về lợi ích của việc thương hiệu được đánh dấu trên bản đồ thế giới, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Dừa Lương Quới cho rằng, DN có thương hiệu uy tín sẽ giúp tăng sự hiện diện của sản phẩm Việt trên thị trường thế giới. Đặc biệt, với hàng nông sản mang tính chất mùa vụ, khi có thương hiệu thì biến động về giá cả cũng sẽ ít hơn.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là dù chúng ta có nhiều thương hiệu vươn ra thế giới, nhưng không thể kỳ vọng quá lớn rằng các thương hiệu này phải lớn mạnh tầm cỡ như “tứ đại quyền lực của Mỹ gồm: Facebook, Google, Amazon, Apple” hay Samsung, LG của Hàn Quốc, hay Sony, Toyota… của Nhật Bản. Bởi hệ thống DN của Việt Nam vẫn “thiếu và yếu” rất nhiều, nhất là khi có tới 98% DN là nhỏ và vừa, thiếu về vốn, thiếu nhân lực có tay nghề cao, yếu về kinh nghiệm, kỹ năng… Vì thế, để “viết tên mình trên bản đồ thế giới”, các DN cho rằng có thể không cần làm quá lớn, rộng khắp mà nên “giữ sức”, tập trung vào từng thị trường, từng phân khúc khách hàng mục tiêu cụ thể.

Lấy một ví dụ, ít người tiêu dùng Việt Nam có thể biết đến thương hiệu van vòi Minh Hòa, nhưng với những người làm trong nghề xây dựng, lắp đặt thiết bị cấp nước, xăng dầu hoặc các DN ngành xây dựng, công nghệ hỗ trợ thì đây lại là thương hiệu nổi tiếng. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Hòa, DN đã xuất khẩu linh phụ kiên ngành công nghiệp hỗ trợ cho các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, còn các sản phẩm van vòi đã được bày bán không chỉ tại mạng lưới phân phối hơn 1.000 cửa hàng và đại lý trên 63 tỉnh, thành mà còn hiện diện tại Đức, Arab Saudi, Hàn Quốc, Malaysia, Lào… Điều này có được là nhờ kết quả hơn 15 năm xây dựng và phát triển thương hiệu, nên khách hàng quốc tế thường tự tìm hiểu và tìm đến đặt hàng với Minh Hòa. Để làm được điều trên, bà Dương cho hay, DN đã có lộ trình đầu tư tự động hóa, đào tạo kỹ sư, công nhân, đảm bảo chất lượng, tiến độ sản xuất, nâng sản phẩm theo các tiêu chuẩn ISO. DN cũng phải tham dự nhiều hội chợ, triển lãm để quảng bá thương hiệu. Vì vậy, DN đã giữ vị thế thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, nhất là tại những thị trường khó tính.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trường Thịnh chia sẻ, xây dựng thương hiệu đã khó nhưng giữ gìn và phát triển còn khó hơn, nên đây phải là công việc thường xuyên, liên tục và phải đăng ký bảo hộ thương hiệu. Quá trình xây dựng thương hiệu phải là quá trình đầu tư, không phải chi phí.

Việt Nam đang trên đường mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế nên các DN luôn cố gắng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, các DN phải có sự quyết tâm và kiến thức về xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu của mình. Việc xây dựng thương hiệu cần được các DN thưc hiện ngay từ giai đoạn khởi nghiệp. Sẽ không có DN nào tự nhiên nổi tiếng, không có sản phẩm nào tự nhiên nổi tiếng nếu không có sự đầu tư bài bản ban đầu và dài lâu. Do đó, ghi danh thương hiệu trên bản đồ thế giới nên là mục tiêu và động lực cần hướng tới của các DN Việt Nam, giúp tăng sức cạnh tranh cho thương hiệu quốc gia.

Bình Nam

Nguồn:  Báo Hải Quan Online https://haiquanonline.com.vn

https://haiquanonline.com.vn/thuong-hieu-viet-dan-bung-len-tren-ban-do-san-xuat-the-gioi-111109-111109.html

Bình luận: