Ý thức bảo hộ thương hiệu cá nhân của các Youtuber qua sự việc PewPew và Độ Mixi bị người khác đăng ký thương hiệu cá nhân

Ý thức bảo hộ thương hiệu cá nhân của các Youtuber qua sự việc PewPew và Độ Mixi bị người khác đăng ký thương hiệu cá nhân

37940

Ý thức bảo hộ thương hiệu cá nhân của các Youtuber qua sự việc của PewPew và Độ Mixi

PewPew

Ngày 1/7, streamer PewPew bất ngờ thông báo trên trang Fanpage của mình rằng thương hiệu “PewPew” của anh đã bị người khác đăng ký thương hiệu. Hiện nay, cái tên PewPew của streamer này được gắn liền với Fanpage có 3,9 triệu người theo dõi, kênh YouTube có 3,63 triệu người đăng ký, ngoài ra nó còn là tên thương hiệu của Bánh mỳ PewPew, tiệm giặt là PewPew.

Một cá nhân có tên Nguyễn Xuân Huy đã nộp đơn đăng ký thương hiệu “PewPew” cho dịch vụ giải trí, dịch vụ cung cấp thông tin giải trí thông qua việc đăng trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Twitter, Instagram; dịch vụ làm viđêô, sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình, giải trí trên truyền hình, giáo dục.

Việc bị người khác đăng ký trước thương hiệu như vậy có thể khiến nam streamer mất quyền sử dụng tên PewPew, buộc phải xóa kênh YouTube cũng như Fanpage (nếu thương hiệu PewPew theo đơn đăng ký này được bảo hộ).

Độ Mixi

Vụ việc này khiến chúng ta nhớ lại vụ việc nam streamer nổi tiếng với tên Độ Mixi cũng bị một đơn vị có tên là CTCP Lawer of Business, tại địa chỉ 110C7, ngõ 17 phố Quỳnh Lôi, phường Quỳnh Lôi, Hà Nội đăng ký bảo hộ cho thương hiệu có tên MIXI FOOD của anh. Độ Mixi nổi tiếng là một streamer lão làng, là một trong “Tứ hoàng streamer” cùng với các streamer khác là PewPew, Xemesis, và ViruSs. Từ thành công trong mảng streamer, Độ Mixi cùng vợ đã thành lập các thương hiệu con với những cái tên Mixi Gaming, Mixi Food, Mixi Cyber, Mixi Coffee, Mixi Shop. 

Đến khi streamer Độ Mixi định đi đăng ký nhãn hiệu thì phát hiện nhãn hiệu Mixi Food đã được đăng ký trước đó. Dẫn đến nguy cơ các thương hiệu của anh phải đổi tên.

Lưu ý cho các YouTuber/người nổi tiếng

Tâm lý chủ quan

Xuất phát từ tâm lý chủ quan, các chủ kênh YouTube/người nổi tiếng khi mới hoạt động chưa nghĩ tới việc bảo hộ thương hiệu (cứ dùng đã còn những việc yêu cầu thủ tục, chi phí phát sinh sẽ tính sau). Họ chưa xác định được liệu họ có thể nổi tiếng hay không; việc lập kênh YouTube/Kênh truyền thông chỉ hướng tới mục đích giải trí mà chưa nghĩ đến việc khai thác thương mại; chưa hình dung ra các tình huống/hành vi có thể ảnh hưởng quyền lợi của họ…

Rủi ro gây ra bởi bên thứ ba

Có nhiều cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu thường rất nhanh tay đăng ký thương hiệu trước hoặc sử dụng thương hiệu na ná, ăn theo các thương hiệu có tiếng nhằm mục đích trục lợi trong thương mại.

Quy định của pháp luật

  • Việt Nam áp dụng nguyên tắc “nộp đơn trước” trong hoạt động đăng ký nhãn hiệu/thương hiệu.
  • Tên cá nhân/nghệ danh/biểu tượng/tên kênh mạng xã hội có tính phân biệt được nghệ sĩ/người nổi tiếng sử dụng có khả năng được bảo hộ cho sản phẩm/dịch vụ liên quan.
  • Khi đã có chủ thể khác đăng ký trước, các YouTuber rất khó đòi lại được thương hiệu của mình, nhất là khi chủ thể có dụng ý xấu áp dụng các cách thức tinh vi để lấy cắp thương hiệu – đăng ký thương hiệu cho các sản phẩm/dịch vụ bao vây và không hoàn toàn trùng với hoạt động của YouTuber nhưng đủ để ngăn chặn việc đăng ký và sử dụng thương hiệu của YouTuber gốc.
  • Bản thân các YouTuber có thể bị coi là vi phạm pháp luật, có hành vi xâm phạm thương hiệu của chính mình nếu bị chủ thể chiếm quyền áp dụng các biện pháp thực thi ngăn cản YouTuber sử dụng và khai thác thương hiệu của mình: ví dụ như bị chặn viđêô phát từ kênh chính thống/khóa kênh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các YouTuber.

Các YouTuber cần:

  • Ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu và tránh bị cá nhân, tổ chức khác đăng ký trước thương hiệu của mình. Việc xây dựng lại một kênh YouTube mới, với một cái tên mới, kéo lại lượng người theo dõi/người xem không phải là chuyện không thực hiện được với các YouTuber có tiếng, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
  • Lưu tâm đến việc đăng ký thương hiệu cho tên gọi có tính phân biệt cao của kênh YouTube, Fanpage hoặc biểu trưng độc đáo của kênh truyền thông, hình ảnh có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ việc sử dụng độc quyền tên gọi kênh cho các chủ sở hữu kênh.
  • Thực hiện việc đăng ký như một phương án phòng ngừa rủi ro và tạo lập được tài sản vô hình có giá trị khi YouTuber/Kênh truyền thông trở nên nổi tiếng.

Các bước cần cân nhắc tiến hành đăng ký bảo hộ khi lập kênh YouTube/mạng xã hội như sau:

  • Khi thành lập kênh các chủ kênh nên nghĩ tên riêng cho kênh của mình để tránh trường hợp trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi của kênh khác.

 

  • Chủ kênh tiến hành tra cứu trên trang web của Cục sở hữu trí tuệ để đánh giá xem tên kênh mới đặt đã được đăng ký hay chưa, có khả năng tương tự cao với các thương hiệu đã được chủ thể khác đăng ký trước.

  • Sau khi chắc chắn tên kênh của mình chưa được đăng ký thì chủ kênh có thể làm hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tới Cục sở hữu trí tuệ.

 

  • Đối tượng đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ của các kênh YouTube sẽ là tên kênh YouTube, biểu trưng của kênh (logo, hình ảnh). Nội dung phát trên kênh, như các viđêô hay các nội dung khác có thể được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả với danh nghĩa là các tác phẩm.

 

  • Việc đăng ký nên được thực hiện theo tiêu chí càng sớm càng tốt kết hợp với nguyên tắc thực tế và có lợi (thực hiện ngay khi đăt tên/chọn biểu tượng hoặc ngay khi đối tượng cần đăng ký bắt đầu hình thành giá trị và có thể là đối tượng cho bên thứ ba trục lợi).

 

  • Cân nhắc đăng ký bao vây cho các sản phẩm/dịch vụ liên quan có thể được kinh doanh trong tương lai.

 

  • Tham khảo đăng ký bảo hộ thương hiệu riêng của người nổi tiếng và tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để có được phạm vi đăng ký phù hợp nhất.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2014, Donald Trump là một tỷ phú tài ba. Cùng với đó, ông từ sớm đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu. Do vậy, ông đã đăng ký chữ “Trump” từ rất sớm, đến nay ông đứng tên hơn 306 đơn đăng ký thương hiệu trên khắp thế giới trong đó có cả Việt Nam. Ở Việt Nam nhãn hiệu “Trump” đã được đăng ký từ năm 2006, đến 2008 thì văn bằng bảo hộ được cấp bằng.

Ca sĩ Mỹ Tâm

Ở Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ cũng ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ tên thương hiệu, hình ảnh của mình và đã đăng ký bảo hộ tên nghệ danh của mình. Trong đó, ca sĩ Mỹ Tâm là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng đầu tiên đăng ký tên thương hiệu “Mỹ Tâm” đối với các hoạt động sáng tác, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ giải trí, và dịch vụ truyền hình.

IPAC IP.,JSC

Thu Hà

Nguồn ảnh: Nhãn hiệu và thông tin nhãn hiệu từ nguồn cơ sở dữ liệu online của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Ảnh khác: nguồn Internet

Bình luận: